Thực trạng và cách khắc phục ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam

star 1star 2star 3star 4
Chuyên mục: Tin tức | Tin trong ngành
762,623 lượt đọc bài
Thực trạng và cách khắc phục ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam

Vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn nạn của cả nhân loại. Riêng ở Việt Nam chúng ta, thực trạng ô nhiễm môi trường nước đang ở mức báo động và cần các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước kịp thời.

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước đang trở thành đề tài nóng bỏng không chỉ tại các địa phương, mà đó còn là vấn nạn của cả nhân loại. Riêng ở Việt Nam chúng ta, thực trạng ô nhiễm môi trường nước đang ở mức báo động và cần các giải pháp khắc phục kịp thời.
 
Hiện nay, vấn đề thực trạng ô nhiễm môi trường nước đang là chủ đề nóng trên các mặt báo và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Trong đó, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể dễ dàng thấy được các hình ảnh, cũng như các bài báo phản ánh về thực trạng môi trường hiện nay. Mặc dù các ban ngành, đoàn thể ra sức áp dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước bằng cách khuyến cáo và kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước,... nhưng có vẻ là chưa đủ để cải thiện tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Thực trạng ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam hiện nay

Ý thức của người dân

Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng và thờ ơ của người dân. Nhiều người cho rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Một số người lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của các cấp chính quyền...trong khi số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng "chẳng ăn thua", và ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng đến mình nhiều. Và chính những suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục cũng như tư duy bảo vệ môi trường của các thế hệ trẻ về sau.
 
Ý thức của người dân
 
Thật vậy, người lớn không làm gương để giáo dục trẻ em, mà minh chứng cụ thể đầu tiên là hành động vứt rác bừa bãi ra môi trường thay vì vứt đúng nơi quy định. Theo quan sát, tại các trường học, chúng tôi nhiều lần chứng kiến phụ huynh đưa con đi học đến cổng trường dừng lại ăn sáng và sau khi ăn xong, thay vì bỏ hộp xôi, hộp bánh vào thùng rác thì họ lại vứt ngay tại chỗ. Mặc dù, các trường học có treo rất nhiều tấm biến, khẩu hiệu cấm xả rác bừa bãi nhưng phụ huynh vẫn thản nhiên xả rác nơi công cộng thì rất khó hình thành ý thức tốt cho thế hệ trẻ.
 
Nói cách khác, thực trạng ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam có sự đóng góp rất lớn từ chính ý thức kém của một bộ phận người dân. Tình trạng này thậm chí còn tồi tệ hơn ở các bãi biển tự nhiên. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Bạn có biết rằng Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về lượng chất thải nhựa xả ra đại dương hàng năm lên đến 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
 
rác thải nhựa trên biển
 
Việc phá hoại môi trường của một người chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng nếu gọp nhiều người lại thì rất lớn. Một tờ giấy, vỏ hộp sữa, túi ni-lông,... tuy nhỏ nhưng tích tụ lại lâu ngày sẽ gây ô nhiễm, mất mỹ quan, rác thải đọng lại trong các lô-cốt gây ra tình trạng cống thoát nước bị nghẹt mỗi khi mưa lớn hay thủy triều lên.
 
Đó là chưa kể đến tình trạng phóng uế bừa bãi tại các công viên công cộng vẫn đang tiếp diễn hàng ngày. Trong khi, đây là những địa điểm được trồng nhiều cây xanh để người dân lui tới tập thể dục, hít thở không khí trong lành,... thì một bộ phận người dân lại thường xuyên phóng uế vô ý thức. Điều này không chỉ gây mất vệ sinh, gây mùi hôi thối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh hô hấp,... mà hơn thế nữa là góp phần gây ô nhiễm không khí tại nơi mà lẽ ra đó là "lá phổi" của khu vực sống.

Xử lý nước thải chưa đạt hiệu quả

Một trong những thực trạng dễ thấy nhất là việc quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp chưa gắn liền với vấn đề xử lý chất thải, xử lý nước thải,... vẫn còn tồn đọng nhất là tại các thành phố lớn. Đó là một yếu tố khiến ô nhiễm môi trường tại các khu vực này luôn ở mức báo động.
 
Theo ước tính, trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước thì có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại các đô thị, chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết lượng nước thải bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm,... chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ tự nhiên. Một ví dụ điển hình đã từng được dư luận quan tâm là trường hợp sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hóa chất thải ra từ nhà máy của công ty bột ngọt Vedan suốt 14 năm liền.
 
Tại các vùng nông thôn, nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khoẻ của con người.

Các doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, quan liêu, thiếu chặt chẽ

Nguyên nhân tiếp theo gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần gây ô nhiễm môi trường đáng kể.
 
Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải tại một số khu công nghiệp chưa hoạt động hiệu quả, nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm được thải liên tục ra sông, hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên. Bên cạnh đó, chính sự quan liêu, thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ môi trường của một số cán bộ nhà nước cũng đang tiếp tay cho hành vi phá hoại môi trường.

Khí độc thải ra từ các phương tiện giao thông

Ngoài ra, lượng xe cộ lưu thông ngày càng nhiều ở nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm, các khí độc lơ lửng trong không khí và theo nước mưa ngấm vào các mạch nước ngầm. Có rất nhiều phương tiện đang được tham gia lưu thông trên đường đã quá hạn sử dụng. Các loại xe này tiêu thụ lượng nhiên liệu cao hơn và thải ra nhiều khí độc hại hơn. Nhưng vẫn chưa có nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng này. Ngay cả những chiếc xe công cộng như xe buýt đã quá cũ và luôn tạo ra một làn khói phía sau khi di chuyển.
 
Ô nhiễm không khí do khí thải tại các thành phố lớn
 
Số người ngày càng lớn, mật độ xe càng tăng nhanh qua năm tháng nhưng tỷ lệ đường được đầu tư không theo kịp. Tình trạng kẹt xe xảy ra hằng ngày chính là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn.

Còn nhiều hạn chế, bất cập

Theo thống kê của Bộ Tư Pháp, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất,... Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường.
 
 
Những hạn chế, bất cập trong bảo vệ môi trường

Một bức ảnh nhỏ nhưng cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ô nhiễm đến mức nào. Photo by Internet.
 
Quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh, nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Các cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường về các loại tội phạm còn hạn chế chưa đủ mạnh. Cụ thể, có rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự, còn các biện pháp xử lý khác như: buộc phải di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết nên doanh nghiệp "lỳ đòn" cũng không có hiệu quả.
 
Các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế.

Ô nhiễm nguồn nước gây ra những hậu quả gì?

Trước những thực trạng ô nhiễm môi trường nước kể trên, các chuyên gia tỏ ra quan ngại đến chất lượng sống của con người trong tương lai, khi mà hậu quả của ô nhiễm nước là quá lớn. Trong đó:

1. Đối với sức khỏe con người

Gây ra tình trạng thiếu hụt nước sạch để sử dụng, thậm chí nhiều nơi trên thế giới còn lâm vào tình trạng khan hiếm nguồn nước. Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước ảnh hưởng đến con người là tỉ lệ người mắc bệnh cấp và mãn tính như ung thư, viêm da, tiêu chảy... ngày càng gia tăng. Người dân sống quanh khu vực ô nhiễm ngày càng mắc nhiều loại bệnh do nguồn nước bẩn trong sinh hoạt. Ngoài ra ô nhiễm nguồn nước còn gây tổn thất lớn cho các ngành sản xuất kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là bà con nuôi trồng thuỷ hải sản.
 
khan hiếm nước sạch
 
Ô nhiễm nước ảnh hưởng đến sức khoẻ con người bởi các hợp chất hữu cơ: các hợp chất hữu cơ thường độc và có độ bền sinh học cao, đặc biệt là các hidrocacbon thơm gây ô nhiễm môi trường mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người. Các hợp chất hữu cơ như: phenol, chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, linden, sevin, endrin... và các chất tẩy hoạt tính đều là những chất ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, nếu nhiễm phải, nguy cơ gây ung thư rất cao.
 
Nguồn nước nhiễm kim loại nặng có độc tính cao như thuỷ ngân, chì, asen...:  Các kim loại nặng có trong nước là cần thiết cho sinh vật và con người vì chúng ta là nguyên tố vi lượng mà sinh vật cần tuy nhiên nếu hàm lượng quá cao sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, gây nhiễm độc trầm trọng sau đó dẫn đến rất nhiều bệnh như đột biến, ung thư.
 
Các vi khuẩn có hại trong nước bị ô nhiễm có từ chất thải sinh hoạt của con người, động vật có thể gây ra các bệnh tả, bại liệt và thương hàn. Trong một vài nghiên cứu cho thấy, khi sử dụng nước nhiễm asen để ăn uống, con người có thể mắc bệnh ung thư da. Người nhiễm chì lâu ngày có thể mắc bệnh thận, thần kinh, nhiễm Amoni, nitrat, nitrit gây bệnh da xanh, thiếu máu. Nếu nhiễm lưu huỳnh lâu ngày, con người có thể bị bệnh về đường tiêu hoá. Nhiễm natri gây bệnh tim mạch và cao huyết áp.

2. Đối với nguồn nước và sinh vật sống dưới nước

- Đối với nguồn nước ngầm: Hậu quả ô nhiễm nguồn nước ngoài việc tạo ra các cặn lơ lửng trong nước mặt, các chất thải nặng lắng xuống đáy sông. Sau một thời gian phân hủy, 1 phần được các sinh vật tiêu thụ, một phần sẽ thấm xuống mạch nước bên dưới qua đất và làm biến đổi tính chất của nguồn nước ngầm. 
 
- Đối với ao, hồ, sông, suối,...: Các chất thải ra môi trường nước và các sinh vật tiêu thụ gây ra nhiều vấn đề khác nhau. Người dân phụ thuộc vào nguồn nước mặt để ăn uống, vệ sinh và giặt giũ. Nếu nguồn nước này bị ô nhiễm thì sẽ là một thảm họa, đây chính là cách mà bệnh tật phát sinh và lây lan nhanh.
Ô nhiễm nguồn nước khiến cá chết hàng loạt
 
- Đối với các sinh vật sống dưới nước: Việc nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp đổ ra sông hồ hàng loạt như hiện nay thì ảnh hưởng đầu tiên dễ nhận thấy nhất là các loại cá, tôm chết hàng loạt tại các bờ biển, ao hồ nuôi. Vì nước là môi trường sống duy nhất của các loài thuỷ sản, do vậy khi nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, chúng sẽ không thể phát triển thậm chí bị nhiễm độc rồi chết. Khi cá nhiễm độc từ nguồn nước ô nhiễm, nếu ăn phải cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.

3. Đối với thực vật và động vật

Việc sử dụng quá nhiều thuốc hoá học, phân bón và các chất bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nông nghiệp dần dần làm nguồn nước ô nhiễm trầm trọng, dẫn tới tình trạng cây trồng không thể phát triển, thậm chí chết hàng loạt, gây thiệt hại về kinh tế đối với người dân. Và điều tương tự cũng xảy ra với các loài động vật.

4. Gây ô nhiễm nguồn nước ngọt, biển và đại dương

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngọt, biển và đại dương hiện đang là một trong vấn đề đáng báo động. Do con người gây ra dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, tỷ lệ người mắc các bệnh cấp và mãn tính như tiêu chảy, viêm màng kết, ung thư,… ngày càng gia tăng.

5. Hậu quả ô nhiễm nguồn nước cho nền kinh tế

Ô nhiễm nguồn nước có thể gây tổn hại cho nền kinh tế vì gây nhiều tốn kém chi phí để xử lý và ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm, để các chất thải không bị phân hủy nhanh chóng tích tụ trong nước và chảy vào các đại dương.

Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam

Trước tình trạng đô thị hoá diễn ra nhanh chóng và sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước khá đa dạng, mà chủ yếu là các nguồn gây ô nhiễm như:
 
- Nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định nên hầu hết lượng nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Thực trạng các doanh nghiệp chỉ xử lý nước thải tạm thời, đối phó vẫn còn tồn đọng.
 
- Việc sử dụng các loại thuốc BVTV và phân bón hoá học trong sản xuất nông nghiệp đã khiến cho nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư tập trung có hàm lượng hợp chất hữu cơ cao nhưng chưa được xử lý triệt để trước khi xả vào nguồn nước. Đồng thời, nhận thức của cộng đồng về BVMT chưa cao, ở nhiều nơi, người dân vẫn có thói quen dùng bồn chứa nước không an toàn và kém vệ sinh như bể xi măng, chum, vại…
 
Cách khắc phục ô nhiễm môi trường do các yếu tố kể trên yêu cầu đặt ra là phải có chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài và điều quan trọng nhất là cần là có sự chung tay của cả động đồng. Trong đó:

a) Người dân nâng cao ý thức về cách khắc phục ô nhiễm môi trường

Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác động của ô nhiễm nguồn nước đến môi trường cũng như sức khỏe của mỗi người. Người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, áp dụng những giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đơn giản nhất là vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi, giáo dục cho các bé về những tác hại của ô nhiễm môi trường nước và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Cần hạn chế sử dụng các hóa chất tẩy rửa khi xử lý nghẹt cống thoát nước, vì như thế sẽ vô tình đưa vào môi trường một chất thải nguy hại mới, đồng thời cũng làm nguồn nước bị nhiễm độc. Thay vào đó, hãy áp dụng cách thông bồn cầu, cách xử lý ống thoát nước bị tắc bằng các chế phẩm sinh học như men vi sinh, phế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.

 
 
Giải pháp khắc phục

b) Đối với các ban ngành, đoàn thể

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt phải thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức giám sát chặc chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp hơn.
 
Tại các khu du lịch, khu đông dân cư, tuyến đường lớn,... nên bổ sung thêm nhiều thùng rác và các nhà vệ sinh công cộng, tránh tình trạng người dân phóng uế mất vệ sinh hoặc vứt rác ra đường gây nghẹt cống thoát nước.
 
Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường và trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả cho các lực lượng này.
 
Cuối cùng, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
 
Tóm lại, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn còn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Hãy hô vang khẩu hiệu "Vì môi trường xanh - sạch - đẹp" và cũng là vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như các thế hệ sau.
 
 
 

# Xem nhiều