Thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL

star 1star 2
Chuyên mục: Tin tức | Tin trong ngành
12,812 lượt đọc bài
Thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL

Ngành nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL đã và đang có những bước tiến nhảy vọt, góp phần cải thiện đời sống bà con nông dân. Song thực trạng ô nhiễm môi trường do ngành thủy sản gây ra lại khiến nhiều người lo ngại.

Thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL 1
Một góc về ĐBSCL. Photo by Internet.
 
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và TP. Cần Thơ, với diện tích tự nhiên 4.055.400 ha, dân số 17.390.500 người, có bờ biển từ Đông sang Tây dài trên 740 km với hải phận trên biển rộng trên 360.000 km2. Đây là vùng đất ngập nước điển hình có chế độ ngập lũ theo mùa mưa, ngập mặn ven biển theo thủy triều với trên 90% diện tích đất tự nhiên, tạo ra các lợi thế tự nhiên rất cơ bản trong phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản.
 
Trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL đã có một bước phát triển với diện tích và sản lượng nuôi trồng với quy mô lớn: Năm 2005 toàn khu vực ĐBSCL có diện tích nuôi trồng thủy sản là 680.200 ha, năm 2012 là 2.221.182 tấn, trong đó cá nuôi là 1.770.509 tấn và tôm nuôi là 357.772 tấn (Niên giám thống kê 2012). Sản lượng thủy sản nuôi trồng của ĐBSCL chiếm 70,94% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong toàn quốc với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 17,8%/năm.
 
Cùng với đó là sự phát triển của các cơ sở chế biến thủy sản với tổng số các cơ sở chế biến xuất khẩu trong toàn vùng là 206 cơ sở, trong đó 188 cơ sở đông lạnh và 18 cơ sở là các loại hình hàng khô và đồ hộp… với tổng công suất chế biến khoảng 780.000-950.000 tấn/năm. Các tỉnh: Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang là những địa phương có số nhà máy chiếm trên 53% tổng số nhà máy chế biến thủy sản toàn vùng ĐBSCL. Thị trường tiêu thụ bao gồm 29 quốc gia thuộc Bắc Mỹ, EU, châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông với các mặt hàng chế biến cá tra và tôm…với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD/năm.
 
Định hướng Quy hoạch của Bộ NN&PTNT cho thấy, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 812 nghìn ha, gồm: Nuôi nước mặn lợ 636 nghìn ha, trong đó nuôi tôm 571 nghìn ha; nuôi nước ngọt 176 nghìn ha, trong đó nuôi cá tra 10 nghìn ha. Sản lượng thủy sản nuôi năm 2020 đạt khoảng 3 triệu tấn, gồm: Cá 2,1 triệu tấn, trong đó cá tra 1,8 triệu tấn; tôm 578 nghìn tấn, trong đó tôm nước lợ 521 nghìn tấn; và thủy sản khác 305 nghìn tấn. Đến năm 2030, dự kiến diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 730 nghìn ha; sản lượng thủy sản nuôi đạt khoảng 3,7 triệu tấn. Chế biến thủy sản ổn định số lượng nhà máy, đầu tư nâng cấp thiết bị chế biến và hệ thống kho lạnh theo hướng hiện đại, nâng công suất sử dụng lên trên 70% so với 40 - 50% như hiện nay nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng.
 
Thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL 2
Ngành thủy sản ở ĐBSCL đang phát triển mạnh mẽ, song lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Photo by Internet.

Thực trạng ô nhiễm môi trường do ngành thủy sản tại ĐBSCL

Trong thời gian qua, các hoạt động trong nuôi trồng và chế thủy sản ở ĐBSCL đã phát sinh các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, khí thải gây ô nhiễm môi trường với các nguồn thải chính bao gồm:

a. Bùn thải

Bùn thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thâm canh, nuôi cá tra công nghiệp, nuôi cá trê) chứa các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các hóa chất và thuốc kháng sinh, các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh lắng đọng, các chất độc hại có trong đất phèn Fe2+, Fe3+, Al3+ , SO42- . Lớp bùn này có chiều dày từ 0,1-0,3m trong tình trạng ngập nước yếm khí tạo thành các sản phẩm phân hủy độc hại như H2S, NH3, CH4, Mecaptan…thải ra trong quá trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi tác động xấu đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản nuôi trồng. Thành phần bùn thải nuôi tôm công nghiệp có chứa khoảng 29,5%, Si 27.842mg/kg, Ca 13.256 mg/kg, K 5.642 mg/kg, Fe 11.210 mg/kg, H2S 8,3mg/kg, N-NH3 36,1mg/kg, N-NO3 0,3mg/kg, N-NO2 0,1mg/kg, PO4 1,8mg/kg, bùn thải đáy ao nuôi cá tra có thành phần pH 4,37-5,39, TOC 1,56-1,89%, tích tụ khoảng 24% nitơ và 24% phốt pho, trong bùn đáy ao nuôi tổng N 0,131-0,186%, tổng P 0,124-0,181%… là nguồn gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng cần phải được xử lý triệt để nhằm phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL.

b. Nước thải

Bên cạnh đó, nước thải nuôi trồng thủy sản cũng chứa các thành phần độc hại có thể gây ô nhiễm môi trường cần được xử lý. Nước thải nuôi tôm công nghiệp có hàm lượng các chất hữu cơ cao (BOD5 12 - 35mg/l, COD 20 - 50mg/l), các chất dinh dưỡng (photpho, nitơ), chất rắn lơ lửng (12 - 70mg/l), ammoniac (0,5 - 1mg/l), coliforms (2,5.102 -3.104 MNP/100ml). Nước thải nuôi cá trê lai có thành phần BOD5 56mg/l, COD 118mg/l, tổng N 11,50 mg/l, tổng P 5,02 mg/l. Nước thải nuôi cá tra có thành phần BOD5 50mg/l, COD 112mg/l, tổng N 4,81 mg/l, tổng P 2,17 mg/l. Nguồn nước thải nuôi trồng thủy sản trong một vụ nuôi (nuôi tôm thường 2 vụ/năm, nuôi cá 1 vụ/năm) có thể đạt đến 15.000 - 25.000 m3/ha tùy thuộc vào quy trình nuôi các loại thủy sản... có chứa nhiều thành phần độc hại và các nguồn dịch bệnh phải được xử lý triệt để trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
 
Nước thải trong ngành chế biến thủy sản là nguồn nước thải từ nước rửa nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, các nguồn nước vệ sinh nhà xưởng sản xuất, nước rửa máy móc thiết bị, dụng cụ sản xuất trong các phân xưởng nhà máy chế biến thủy sản với thành phần như sau: BOD5 khoảng 800 - 2.000mg/l, có lúc đạt đến 4.500mg/l. COD khoảng 1.000 - 2.500mg/l, có lúc đạt đến 5.000mg/l, chất rắn lơ lửng (SS) khoảng 300 - 600mg/l, nitơ tổng số (Nt) khoảng 100 - 150mg/l, photpho tổng số (Pt) khoảng 20-50mg/l, đặc biệt vi sinh Coliforms thường lớn hơn 1.105 MPN/100ml, với lưu lượng khoảng 20 - 35 m3/tấn sản phẩm, đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng cần phải được xử lý đáp ứng quy chuẩn môi trường quy định.
 
Thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL 3
Nước thải, khí thải, chất thải,... từ quá trình chế biến thủy sản đang góp phần gây ô nhiễm môi trường sống trong khu vực. Photo by Internet.

c. Khí thải

Nguồn khí thải từ các hệ thống lò hơi, máy phát điện, lò sấy… chứa các thành phần độc hại CO, CO2, NO2, SO2, với lưu lượng, thành phần thải khác nhau, cần được quản lý chặt chẽ và được xử lý tại nguồn đáp ứng quy chuẩn môi trường quy định trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó, trong sản xuất chế biến thủy sản còn tạo ra mùi hôi do phân hủy chất hữu cơ như H2S, NH3, CH3SH (Methyl mercaptan), dung môi hữu cơ bay hơi, chất khử trùng phát sinh trong các công đoạn sản xuất chế biến thủy sản.

d. Chất thải

Chất thải rắn công nghiệp không nguy hại là phụ phẩm đầu xương nội tạng cá, đầu vỏ tôm…thải ra trong quá trình chế biến (sản xuất 1 tấn tôm thành phẩm thải ra 0,75 tấn phế thải, cá tra philê 1,8 tấn phế thải…), bùn thải của hệ thống xử lý nước thải, cỏ rác, bọt rác, rong rêu tảo trong ao nuôi phải được thu gom và bảo quản tránh phân hủy gây mùi hôi. Các loại giấy vụn, bao bì cát tông, gỗ vụn, sắt vụn, bao ni lông và các loại ủng cao su, bao tay bảo hộ lao động… được thu gom và chuyển giao cho các đơn vị thu mua phế liệu để phân loại và tái chế đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường.
 
Chất thải sinh hoạt trong nuôi trồng và chế biến thủy sản do hoạt động của công nhân viên thải ra với định mức trung bình hàng ngày 0,5 - 1 kg người/ngày (đối với các trang trại doanh nghiệp). Thành phần trung bình: Thực phẩm khoảng 79,17%, giấy khoảng 5,18%, ni lông, nhựa khoảng 6,84%, kim loại khoảng 1,05%... chủ yếu là các thành phần hữu cơ dễ phân hủy, do đó có thể gây các tác động đến môi trường và nhiễm vi sinh trong quá trình phân hủy tạo ra. Nguồn thải này cần được thu gom, quản lý và xử lý đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường trong quá trình canh tác nuôi trồng và chế biến thủy sản.
 
Chất thải nguy hại bao gồm: Thùng đựng hóa chất các loại (thuốc khử trùng Chlorine, hóa chất cơ bản, chế phẩm hóa học), các loại dầu nhớt cặn (nhớt thải, dầu cặn máy biến thế thải, POPS…), bóng đèn huỳnh quang thải, giẻ lau máy dính dầu thải, cặn dầu nhiễm hoá chất… phải được thu gom và xử lý theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Kết luận và kiến nghị

Thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL 4
Làm thế nào để ngành thủy sản ĐBSCL phát triển bền vững? Photo by Internet.
 
Phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực ĐBSCL. Những năm gần đây, ĐBSCL đã thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở từng địa phương, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, phát huy năng lực và hiệu quả của sản xuất công nghiệp, nâng cao đời sống cho người lao động, mở rộng thị trường cho tiêu dùng và xuất khẩu trong quá trình hội nhập quốc tế… công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước ở khu vực ĐBSCL.
 
Để phát triển bền vững, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về BVMT của chính quyền các cấp, các ngành chức năng trong việc thực thi Luật BVMT đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản. Đặc biệt là nâng cao năng lực thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định đánh giá tác động môi trường theo quy định.
 
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động BVMT của các doanh nghiệp, kiên quyết xử lý triệt để các hình thức vi phạm Luật BVMT. Đồng thời, nâng cao nhận thức về BVMT cho các chủ đầu tư và các chủ doanh nghiệp... nhằm tăng cường hiệu lực quản lý về BVMT đối với các cở nuôi trồng và chế biến thủy sản.
 
Đối với ngành nuôi trồng thủy sản cần ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải nuôi trồng thủy sản, vì hiện nay nuôi trồng thủy sản thuộc ngành Nông-Lâm-Ngư nhưng lại áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp). Việc kê khai và nộp phí BVMT đối với nước thải nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL hiện nay chưa được thực hiện… cần có các nghiên cứu khả thi với loại nước thải này.
 
Đối với ngành chế biến thủy sản, cần xem xét QCVN 11:2008/BTNMT về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản… thì chỉ tiêu về photpho tổng số lại được bỏ qua, trong khi đó chỉ tiêu này là đặc trưng rất cơ bản đối với nước thải chế biến tôm (dùng phụ gia phốt pho để ngâm tôm nguyên liệu chế biến các mặt hàng tôm gây trương nở cảm quan hợp thị hiếu) có hàm lượng cao, nếu áp dụng QCVN 40:2011/BTNMT thì nước thải chế biến tôm rất khó đáp ứng quy chuẩn môi trường này. Đồng thời, cần có các nghiên cứu tính thực tiễn để điều chỉnh QCVN 11:2008/BTNMT về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản.
 
Công tác Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cần dựa trên cơ sở phân vùng sinh thái, phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước và xử lý chất thải đối với ngành nuôi trồng thủy sản công nghiệp, thâm canh... đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh và các quy chuẩn môi trường quy định. Quy hoạch các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tập trung chế biến thủy sản, để có chính sách ưu tiên xử lý môi trường và có chính sách thu hút các cơ sở chế biến thủy sản khác vào các KCN,CCN tập trung… nhằm tăng cường công tác quản lý môi trường đối với ngành chế biến thủy sản trong việc xử lý chất thải trong sản xuất chế biến đáp ứng các quy chuẩn môi trường quy định.
 
Các chủ đầu tư canh tác nuôi trồng và chế biến thủy sản phải tập trung đầu tư và vận hành các hệ thống thu gom tập trung, phân loại hợp lý chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt, quản lý lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn nguy hại đúng quy định, phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường quy định. Có cảnh quan môi trường đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe người lao động, có bộ phận chuyên trách thực hiện công tác BVMT tại các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản theo quy định của pháp luật.
 
Theo ông Phạm Đình Đôn - Cục Kiểm soát ô nhiễm
 

# Xem nhiều