Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tăng năng suất

star 1star 2star 3star 4star 5
6,727 lượt đọc bài
Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tăng năng suất

Tôm thẻ chân trắng (TTCT) là đối tượng thủy sản được nuôi phổ biến nhất hiện nay nhờ đặc điểm dễ nuôi và thời gian thu hoạch ngắn. Trong bài viết này, Moitruongdeal.vn sẽ cùng bà con tìm hiểu về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt hiệu quả cao.

Trong thời buổi hiện đại, ngành nuôi trồng thủy sản đã áp dụng các công nghệ tiên tiến và đạt được những thành công nhất định. Trong đó, nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình thâm canh đang được rất nhiều bà con lựa chọn. TTCT được xem là đối tượng dễ nuôi và chăm sóc, thời gian thu hoạch sớm đã giúp mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi.
 
Nhằm giúp bà con tăng năng suất, Moitruongdeal xin chia sẻ những kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng được các chuyên gia khuyến cáo ngay sau đây. Kính mời bà con cùng theo dõi!

Những kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình thâm canh hiệu quả

1. Cải tạo ao

Để tôm phát triển và tăng tỉ lệ sống đòi hỏi bà con cần cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật, nhất là khi nuôi theo mô hình thâm canh. Đây là việc làm vô cùng quan trọng giúp loại bỏ các tạp chất hữu cơ và mầm bệnh tích tụ trong ao từ vụ nuôi cũ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi khi thả tôm cho vụ mới.
Cụ thể, dưới đây là các kỹ thuật cải tạo ao được áp dụng phổ biến nhất hiện nay:
 
1.1) Diệt mầm bệnh từ vụ nuôi cũ
 
Tháo cạn nước, cày vét lớp bùn đáy ao, bón vôi để loại bỏ các vi sinh vật có hại và mầm bệnh từ vụ nuôi cũ đang tích tụ dưới đáy. Phơi đáy ao dưới ánh nắng mặt trời cho đến khi đất nẻ chân chim để các khí độc tích tụ được giải phóng và tiêu diệt vi khuẩn.
 
Riêng với các ao mới xây dựng, bà con cần rửa ao bằng cách cấp nước vào ngâm ao từ 4-5 ngày sau đó xả nước và cấp nước mới vào, lặp lại như vậy từ 2-3 lần rồi mới tiến hành bón vôi.
 
1.2) Cấp nước vào ao
 
Sau khi đã phơi ao, bà con tiến hành cấp nước sạch vào ao nuôi thông qua lưới lọc để ngăn chặn các loài giáp xác hoặc cá tạp mang mầm bệnh vào ao. Nước cấp phải được lấy từ nguồn nước sạch, không nằm trong vùng có dịch bệnh, không có nhiều váng bọt hoặc màn nhầy,… và phải được xử lý trong ao lắng để diệt trừ các mầm bệnh tiềm ẩn trước khi cấp vào ao nuôi. Nên nhớ, không lấy nước khi thủy triều đang lên để hạn chế các chất phù sa lơ lững.
 
1.3) Xử lý nước
 
Sau khi đã lấy đủ lượng nước vào ao, để ổn định 2-3 ngày. Với những hộ nuôi có diện tích nhỏ, không có hệ thống ao lắng, ao chứa thì sau khi nước cấp vào ao cần để 10-20 ngày để ổn định nước.
 
Tiến hành diệt giáp xác bằng các sản phẩm chuyên dụng không chứa các chất cấm sử dụng theo Quy định của Bộ NN&PTNT. Sau 1-3 ngày tiến hành chạy quạt trung bình 4-6 giờ/ngày để kích thích trứng/ấu trùng cá tạp có trong nước nở hết và tiến hành diệt tạp đồng loạt. Sau 3-5 ngày tiến hành diệt khuẩn bằng Iodine, Virkon, Finishnano,…
 
1.4) Gây màu nước
 
Thực hiện gây màu nước sau khi đã diệt khuẩn từ 3-7 ngày. Đây là bước quan trọng nhằm tạo môi trường sống thuận lợi và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm cá nuôi. Bên cạnh đó, giúp ổn định môi trường nước, hạn chế tình trạng tôm bị stress và tăng tỉ lệ sống.
 
Bà con có thể áp dụng các kỹ thuật gây màu nước được áp dụng phổ biến như: dùng hỗn hợp cám ngô + bột cá + bột đậu nành ủ, mật gỉ đường + cám gạo + bột đậu nành, men vi sinh,… Mặc dù vậy, đôi khi việc gây màu nước sẽ thất bại do: số lượng tảo ít, ao không đủ dưỡng chất, trời mưa,… Để tăng tỉ lệ thành công khi gây màu nước, bà con nên xem bài Tổng hợp các phương pháp gây màu nước theo tiêu chuẩn VietGAP.

2. Chọn và thả giống

kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2
 
2.1) Chọn giống
 
Để vụ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh thành công thì chọn tôm giống là một trong những kỹ thuật vô cùng quan trọng. Rõ ràng, tôm khỏe mạnh sẽ có tỉ lệ sống cao hơn khi thả nuôi, khả năng tăng trưởng và kháng bệnh cũng tốt hơn.
 
Kinh nghiệm để chọn được tôm khỏe mạnh?
 
Bên cạnh việc tránh mua ở những trại giống kém uy tín, không rõ nguồn gốc,… bà con có thể áp dụng phương pháp cảm quan khi lựa tôm giống. Cụ thể, bằng cách quan sát những đàn tôm có kích thước đồng đều, màu sáng, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon, thân dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, phần đầu và thân cân đối, phụ bộ tôm hoàn chỉnh không có ký sinh trùng bám vào, đường ruột đầy thức ăn,… Khi dùng tay khuất nhẹ nước sẽ thấy tôm bơi ngược dòng, khi gõ vào dụng cụ chứa sẽ thấy tôm phản xạ nhanh nhạy,…
 
Ngoài ra,để tăng độ chính xác hơn bà con có thể dùng phương pháp xét nghiệm để phát hiện và loại bỏ sớm những cá thể tôm yếu, nhiễm virus đốm trắng, đầu vàng, MBV,…
 
2.2) Thả giống
 
Đối với tôm thẻ chân trắng, kích cỡ tốt nhất để thả giống là post 10-12. Tùy vào trình độ kỹ thuật và điều kiện kinh tế mà chọn mật độ thả thích hợp (với TTCT là 50-100 con/m2). Việc thả quá thưa hoặc quá dày đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tăng trưởng và năng suất vụ nuôi.
 
Để tăng tỉ lệ sống cho tôm giống, trước khi thả bà con nên ngâm các bọc chứa tôm trong nước ao khoảng 15 phút (để tôm không bị sốc nhiệt khi thả), sau đó mở bọc và để tôm bơi ra ao. Thời điểm thả giống thích hợp nhất là vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tuyệt đối không thả khi trời mưa giông hoặc nắng to.

3. Chăm sóc và quản lý ao tôm thẻ chân trắng thâm canh

3.1) Chăm sóc
 
Ngay sau khi thả giống, nếu gây màu nước tốt thì bà con có thể không cho tôm ăn 1-2 ngày đầu bởi đã có sẵn nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Những ngày sau đó, cần cho tôm ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp và chia thành 4-5 lần mỗi ngày, thức ăn phải đảm bảo chất lượng và phải đủ số lượng, cỡ mồi phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
 
Theo kinh nghiệm từ những người nuôi lâu năm, quản lý thức ăn cũng là một kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng quan trọng bởi hiệu quả kinh tế của vụ nuôi phụ thuộc rất nhiều vào lượng thức ăn, cách cho ăn và các chất khoáng bổ sung. Theo đó, lượng thức ăn cũng thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của tôm, ví dụ:
 
+ Tháng nuôi đầu tiên: ngày đầu tiên cho ăn 1,2-1,5kg/100.000 con giống thì cứ 2 ngày tăng 200gr/100.000 con giống. 15 ngày sau khi thả giống đến khi thu hoạch cần sử dụng các sản phẩm thủy sản để phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa, bệnh gan và cung cấp các Vitamin, khoáng chất,… bổ sung các men vi sinh cho tôm giúp tăng khả năng tiêu hóa và khả năng chống chịu với môi trường.
 
+ Tháng nuôi thứ hai đến thu hoạch: thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn cho tôm qua nhá và điều chỉnh thích hợp. Lưu ý giảm lượng thức ăn xuống 70-80% trong những ngày nắng gắt hoặc mưa bão, tránh tình trạng dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, tôm dễ mắc bệnh. Quản lý chặt chẽ lượng thức ăn, hệ số thức ăn dao động 1,3-1,6.
 
3.2 Quản lý ao nuôi
 
Công tác quản lý ao nuôi là vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải thường xuyên kiểm tra và đánh giá các yếu tố môi trường: màu nước, độ trong của nước, pH, kiềm, oxy hòa tan, độ mặn, khí độc,… luôn ở mức an toàn. Bên cạnh đó, cần sử dụng vi sinh xử lý nước ao tôm định kỳ để kiểm soát sự phát triển của tảo độc và các tạp chất hữu cơ lơ lửng.
 
Như vậy, Moitruongdeal.vn vừa chia sẻ những kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình thâm canh hiệu quả cao. Với những người nuôi lâu năm, đây có lẽ là những kỹ thuật không quá xa lạ. Song, với những bà con mới khởi nghiệp với nghề nuôi tôm thì đây là những kiến thức rất cần thiết. Và cũng nên tránh những kỹ thuật sai thường mắc phải khi nuôi tôm thẻ chân trắng nhé. Chúc bà con vụ mùa bội thu!